Vai trò của giá trị thẩm mỹ truyền thống trong hình thức kiến trúc nhà ở đô thị Việt Nam
Tin tứcPhân tích các lý thuyết về tiếp cận Mỹ học (Aesthetic) và Mỹ học Kiến trúc (Aesthetic of Architecture) nhằm định dạng vai trò giá trị thẩm mỹ truyền thống, thông qua đó xây dựng các thiết chế thẩm mỹ để kế thừa và phát huy tính dân tộc trong kiến trúc nhà ở đô thị Việt Nam hiện nay. Từ việc phân tích các lý thuyết đó có thể nhận thấy 3 xu hướng thẩm mỹ như sau:
- Xu hướng chủ quan: Quan điểm cái đẹp thuộc về phạm trù tinh thần hay lý tính chủ quan khi xem xét một đối tượng bên ngoài – kiến trúc. Nói cách khác, tác phẩm kiến trúc là phương tiện thể hiện ý chí, tình cảm, tư tưởng của con người và được sáng tạo bởi mỹ cảm. Khi đó kiến trúc có thể không tuân theo quy luật tạo hình thẩm mỹ nào. Để cảm thụ được ý nghĩa của nó đòi hỏi người xem phải có thái độ thẩm mỹ nhất định, kinh nghiệm sống và trình độ văn hóa.
- Xu hướng khách quan: Quan điểm cái đẹp thuộc về đối tượng/ khách thể hay vẻ đẹp tự thân của kiến trúc. Điểu kiện đặt ra đó là kiến trúc phải đáp ứng những tiêu chí nhất định, tuân theo các quy luật tạo hình thẩm mỹ (có tính chất khách quan) như: tính hài hòa, biến hóa và thống nhất, đối xứng, tỷ lệ, cân bằng, các quy luật số học…Xu hướng khách quan dẫn đễn sự ra đời chủ nghĩa hình thức và các quy luật hình thức. Những quy luật này tương đồng với bản chất tự nhiên của con người, vì vậy gây nên sự rung cảm trước vẻ đẹp nhưng không truyền đạt một tư tưởng hay lý giải nào.” Khi tác phẩm nghệ thuật hoàn toàn mất đi công dụng xã hội, chỉ còn dành để thưởng thức thẩm mỹ thôi, nó trở thành” cái đẹp thuần túy” một thứ trang sức hoàn mỹ có xu hướng suy vong”.
- Xu hướng kết hợp (thống nhất chủ – khách quan): “Để đạt được vẻ đẹp thì đối tượng thẩm mỹ – kiến trúc phải có những tố chất khách quan phù hợp với hình thái ý thức chủ quan. Vì vậy, kiến trúc được sáng tạo theo quy luật của cái đẹp và thống nhất với mỹ cảm; thể hiện tư tưởng, tình cảm, tư duy của con người”
Nhà cổ số 87 phố Mã Mây – Hà Nội
Nhà cổ họ Trần – Bình Dương
Nhà cổ Tân Kỳ – Hội An
Nhà vườn An Hiên – Huế
Nhà cổ Đường Lâm – Sơn Tây Hà Nội
Xét theo cách phân loại trên thì kiến trúc nhà ở truyền thống là đối tượng mỹ học thuộc xu hướng thứ 3 (thống nhất chủ – khách quan), được tạo tác theo các quy luật hình thức (vần luật, nhịp điệu, cân bằng, hài hòa…). Hình thể mà nó mang lại tác động tới bản thể tình cảm của con người, khơi gợi nên ý nghĩa về nơi chốn, các truyền thống gia đình, triết lý vũ trụ quan, tư tưởng xã hội, văn hóa cộng đồng…Chính vì vậy, kiến trúc nhà ở truyền thống còn là một tác phẩm nghệ thuật, tổng hòa vẻ đẹp tự thân và mỹ cảm.
Kết luận: Tóm lại, giá trị văn hóa truyền thống đóng góp cho kiến trúc nhà ở đô thị 3 vai trò sau đây:
- Xây dựng cấu trúc thẩm mỹ: Gồm 3 yếu tố: Nghệ thuật tạo hình (tính hình học, tính đối xứng, tỷ lệ hài hòa, tính vần điệu), kỹ thuật truyền thống (vật liệu tự nhiên, cấu trúc cơ động), giải pháp dung hòa với tự nhiên (hình thức che nắng, thông gió, tạo bóng râm). Đây là những yếu tố khách quan tác động trực tiếp đến vẻ đẹp của ngôi nhà, đại diện bởi các thuộc tính vật thể và phi vật thể.
- Nhận dạng hình thái ý thức: Thông qua cấu trúc thẩm mỹ để truyền đạt nội dung tinh thần, tư tưởng của người Việt. Đó là: tính dung hòa với tự nhiên, tính linh hoạt / đa năng, tính cộng đồng, tính tư hữu, truyền thống gia đình Việt (tính trật tự).
Hai vai trò trên có nhiều điểm tương đồng với cách tiếp cận theo lý thuyết Ký hiệu học (Semiology), gồm cái biểu đạt (cấu trúc thẩm mỹ) và cái được biểu đạt (hình thái ý thức).Tuy nhiên, tổng hòa của chúng đưa đến sự xuất hiện của vai trò thứ 3, đó là:
- Thiết chế thẩm mỹ của kiến trúc nhà ở truyền thống Việt Nam: Vừa mang tính khách quan của đối tượng (hình thức kiến trúc nhà ở) vừa mang tính chủ quan của con người (tư duy, tình cảm, mỹ cảm…) thể hiện trên 5 nguyên tắc:
Đẹp – đẹp hài hòa với thiên nhiên: Vẻ đẹp ngôi nhà không tách rời với khung cảnh, môi trường thiên nhiên xung quanh
Đẹp- đẹp đa dạng: vẻ đẹp của ngôi nhà mang tính biến đổi với sự cơ động của các hình thức cấu trúc
Đẹp- đẹp tổng thể: Vẻ đẹp của ngôi nhà được nâng cao bởi sự thống nhất với bối cảnh kiến trúc xung quanh, hay còn gọi vẻ đẹp phố phường
Đẹp- đẹp thành tố: Vẻ đẹp tự thân của kiến trúc đặc trưng bởi các thành phần có thuộc tính không gian hai chiều: đường, đường bao, mặt lưới, chi tiết cấu kiện…
Đẹp – đẹp trật tự: Vẻ đẹp của ngôi nhà có tính thứ tự trước- sau, chính – phụ thao nguyên tắc đối xứng hoặc cân bằng.
Như vậy, thiết chế thẩm mỹ là cơ sở định hướng cho sự vận hành chuyển đối các giá trị văn hóa truyền thống trong hình thức kiến trúc nhà ở đô thị theo một nguyên tắc thống nhất, đảm bảo việc ứng dụng không vượt xa khỏi đặc trưng thẩm mỹ của kiến trúc nhà ở truyền thống Việt Nam. Nghĩa là giá trị văn hóa dù chuyển đổi theo phương thức nào đều có thể nhận biết được tính dân tộc trong các hình thức biểu hiện của nó thông qua mô tả, gợi ý và phán đoán thẩm mỹ./.
ThS.KTS Nguyễn Song Hoàn Nguyên
Trích trong Tạp chí Kiến trúc – Hội kiến trúc sư Việt Nam số 252 tháng 04 – 2016