Phong thủy trong việc lựa chọn hướng nhà ở Vùng Đồng bằng Bắc Bộ

Phong thủy

 

Trái với quan điểm phổ biến cho rằng: Nhà ở truyền thống vùng Đồng bằng Bắc bộ chủ yếu quay về hướng Nam và hướng Đông Nam để đón gió mát, nghiên cứu gần đây cho thấy, có tới 50% số nhà dân gian trong vùng Đồng bằng Bắc bộ được xem là có định hướng xấu. Điều đó chứng tỏ bên cạnh điều kiện khí hậu còn có những yếu tố khác có tác động không nhỏ tới thể loại kiến trúc này. Một trong những yếu tố đó là thuật phong thủy.

Có thể khẳng định, các học thuyết phong thủy ảnh hưởng mạnh mẽ lên đời sống văn hóa của người Việt. Nhưng phong thủy khi du nhập vào Việt Nam đã được Việt hóa và dùng với một cơ chế lỏng lẻo, linh hoạt, thỏa mãn nhu cầu tâm lý hơn là địa lý. Điểu này thể hiện rất rõ trong cách lựa chọn địa điểm cư trú và tổ chức môi trường cư trú của người Việt vùng Đồng bằng Bắc bộ.

Trong không gian cư trú thì quan trọng nhất là việc xây Đình vì Đình được coi là nguyên khí của cả làng, phần lớn đình là trung tâm văn hóa, tín ngưỡng làng xã, chính vì vậy đình làng thường có vị trí quan trọng nhất trong làng. “Vị trí dựng đình được lựa chọn theo một tinh thần riêng, nhưng khoa phong thủy nói rộng ra là một yếu tố ý thức hệ được tiếp thu từ phương Bắc đã giải thích một hiện tượng Việt cổ theo tinh thần của nó”. Điều đó dễ thấy là nhiều ngôi đình được tổ chức theo mô hình phong thủy lý tưởng. Ví dụ đình làng ven song thường quay mặt ra bơ lõm của một khúc sông cong – bên bồi của dòng chảy; đình Phú Hữu, Chu Quyến, Tây Đằng, Viên Châu, Mông Phụ (Hà Tây) đều có hướng trông về núi Ba Vì…

dinh-kim-lien7

Trước đình thường xây bình phong

Ở những vùng bằng phẳng không có cảnh quan tự nhiên làm tiền án, hậu chẩm hay tả thanh long, hữu bạch hổ, người ta sử dụng các tiểu phẩm phong thủy nhân tạo mang ý nghĩa tượng trưng. Ví dụ như nhiều đình xây bình phong làm tiến án, mặt trước đình thoáng đãng, soi bóng xuống mặt nước. Theo phong thủy bình phong làm chậm sự chuyển động dòng khí, khí gặp nước sẽ tụ lại, nước thấp mang yếu tố ấm, đình cao nên mang yếu tố dương, cả hai hợp thành cặp âm – dương hoàn chính. Phía trước đình làng thường có cây phong thủy (thường là cây đa). Ý nghĩa phong thủy của nó là tụ khí, ẩn gió. Ý nghĩa sinh thái thực tế của nó bảo vệ nguồn nước, tránh gió tránh nắng. Nhưng ý nghĩa sâu sắc hơn là nó có tác dụng giống như vật đánh dấu không gian trong nhận thức của cư dân và hiệu ứng che chắn không gian của nó. Chính vì lẽ đó, hình ảnh cây đa, bến nước, sân đình trở nên hết sức thân quen trong tâm trí của những người Việt xa quê.

Những ngôi nhà dân gian trong làng thường không bố trí trước cửa đình mà chủ yếu phía sau và trên khu đất hai bên đầu hồi đình kéo dài. Hướng của chính cũng thường được quy định bởi hướng đình. Chính vì vậy mà nhiều khi các ngôi nhà không được quay ra hướng tốt. Ví dụ trước đây một nửa số nhà trong làng Đại Mỗ, Từ Liêm, Hà Nội nhìn về hướng Tây Nam, cũng là hướng của chùa làng, nửa còn lại cùng với đình làng quay về hướng Đông Bắc – nhìn ra sông Nhuệ. Cách định hướng này làm cho phần lớn các ngôi nhà bị nóng vào mùa hè và lạnh về mùa đông. Ảnh hưởng của phong thủy trong làng hiện nay mạnh đến nỗi các ngôi nhà dân gian còn lại giữ nguyên hướng cũ mặc dù chúng hoàn toàn có thể xoay theo hướng khác phù hợp hơn. Những làng ven sườn đồi lại có nguyên tắc tổ chức riêng: Đầu gối sơn, chân đạp thủy (dựa lưng vào đồi và hướng ra khoảng không). Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với các nguyên tắc phong thủy.

Việc định hướng ngôi nhà chính theo hướng đình làng chắc hẳn dẫn tới một kiêng kị phổ biển là kiên làm nhà có đầu hồi chĩa thẳng vào mặt nhà hàng xóm. Một kiêng kị khác được dân gian đúc kết là “góc ao đao đinh” tức tránh làm nhà ở góc ao hay đầu đao của đình chĩa thẳng vào nhà. Một trong những nguyên tắc phong thủy khác là tránh làm nhà đối diện với trục đường. Đây là một trong những lý do để làng xã truyền thống vùng Đồng bằng Bắc bộ luôn có bố cục mở. Đường làng ngõ xóm ít khi bị chặn bởi một công trình kiến trúc, do vậy có thể dễ dàng phát triển theo hướng tiếp tục kéo dài nếu khả năng đất đai cho phép. Trong trường hợp bất khả kháng, người ta chôn chó đá ở cuối đường/ ngõ để năng cản luồng tà phong thổi vào trong khuôn viên ngôi nhà.

Bên trong khuôn viên các ngôi nhà, nhất là nhà của các gia đình khá giả phần nào cũng bị quy định vởi thuật phong thủy. Nhìn chung, mặt trước nhà thường có khoảng không bằng phẳng, rộng rãi (sân trước). Cổng ít khi được bố trí đối diện với ngôi nhà chính, vừa tăng sự kín đáo, vừa tránh bị luồng tà phong thổi thẳng vào trong nhà. Theo điều tra hồi cố, trước đây một số nhà dân gian vùng Đồng bằng Bắc bộ có cổng nhà nằm trên trục đối xứng với nhà chính. Trong trường hợp này nhất thiết phải có một tấm bình phong cản trở hướng nhìn từ bên ngoài vào bên trong, đồng thời ngăn chặn luồng tà phong. Phía trước bình phong thường có bể nước mưa hứng nước từ trên cây cau trồng cạnh đó. Cách bố cục này làm chúng ta liên tưởng tới bố cục phổ biến của các ngôi nhà vườn ở Huế, đặc biệt là nhà của các gia đình quyền quý. Nhiều khả năng, nhà vườn Huế là nơi lưu giữ một đặc điểm bố cục cũ đã mờ nhạt của khu vực trung tâm là vùng Đồng bằng Bắc bộ. Cần nói thêm là từ góc nhìn công năng, vị trí bể nước mưa cũng như cách hứng nước mưa như trên là hoàn toàn không hợp lý. Do vậy, chắc chắn nó phải mang một ý nghĩa tâm tinh nào đó.

nha-que-bac-bo-duoc-thu-nho-nhu-that-trong-chau-bonsai-24-181044

Cổng thường không bố trí đối diện cửa chính tránh tà phong vào nhà

Trong một số nhà dân gian, ngoài bức bình phong người ta còn bố trí tấm giại bằng tre đan ở phía trước hiên, đối diện với không gian chính. Đôi khi tấm giại còn được bố trí cả ở phía trước gian phụ nếu nhà có hiên chạy suốt chiều dài nhà, những tấm giại này được cho rằng mang đến sự yên tĩnh cho tổ tiên vì được bố trí trước gian có bàn thờ tổ tiên hơn là cho sự tiện nghi của người sống.

ngo-ngang-voi-ngoi-nha-doc-dao-3m2-mang-kien-truc-truyen-thong

Tấm giai trước hiên nhà

Quan niệm phong thủy cũng dẫn tới một kiêng kị phổ biến khác là không đào giếng khởi bên trong khuôn viên nhà, sợ rằng có thể chạm long mạch làm phương hại đến sự thành đạt và phồn thịnh của làng. Nguồn nước sạch chủ yếu được lấy từ giếng làng (nhiều khi là nguồn nước ăn duy nhất). Điều đó nâng cao được vị thế của giếng làng trong đời sống cộng đồng và biến nó trở thành một địa điểm giao tiếp quan trọng. Tuy nhiên trải qua thời gian, điều kiêng kị này đã bị loại bỏ, chủ yếu là do sự bất tiện trong sinh hoạt. Khảo sát hiện nay cho thấy có rất nhiều ngôi nhà dân gian đã đào giếng ngay trong khuôn viên nhà.

Bỏ qua những yếu tố mê tín dị đoan, phong thủy có thể được coi là một môn khoa học có mục đích tổ chức môi trường sống cho con người, làm cho con người chung sống hài hòa với tự nhiên theo cách tận dụng những ưu thế và hạn chế những bất lợi của ngoại cảnh. Dù cho vẫn còn rất nhiều những điều bí ẩn chưa được khám phá, nhưng chính những quan điểm tồn tại lâu đời về thuật phong thủy đã góp phần tạo dựng một nét bản sắc khá độc đáo trong kiến trúc và quần cư của người Việt nói chung và Vùng Đồng bằng Bắc bộ nói riêng./.

Theo Tạp chí Kiến trúc – tháng 4/2016