Phân biệt các loại đá
Vật liệu xây dựngHiện nay, tại các công trình xây dựng đều khá ưa chuộng sử dụng đá ốp tường hay lát nền thay cho gạch, ưu điểm của nó là độ bền và đẹp mãi với thời gian. Song mỗi loại đá đều có những đặc điểm khác nhau và mức chênh lệch về giá cũng không hề nhỏ. Tham khảo bài viết sau đây bạn sẽ hiểu rõ hơn điều đó.
Theo nguồn gốc
Đá thiên nhiên:
Loại đá này được hình thành một cách tự nhiên ở trong vỏ trái đất thông qua quá trình phản ứng hóa học giữa các vật chất tự nhiên. Từ lâu, con người đã biết khai thác đá này để làm vật liệu trong xây dựng, chế tác đồ nghệ thuật cũng như vật trang trí, tuy nhiên hiện nay, với công nghệ máy móc hiện đại thì việc khai thác cũng trở nên đơn giản hơn và nó còn được tạo ra nhiều sản phẩm ứng dụng rộng rãi hơn trong cuộc sống của con người.
Quy trình khai thác nó cụ thể như sau: Con người dùng phương tiện để khai thác nó thành những khối hình chữ nhật, sau đó xẻ ra theo dạng tấm, đá tấm rồi đem đi mài bóng bằng tay bán thủ công hay là bằng máy đánh bóng tự động. Từ đá tấm được đánh bóng một mặt thì người ta đem cắt thành quy cách tùy theo yêu cầu của mỗi trình, rồi sau đó mới ốp.
Đá nhân tạo:
Vì nhu cầu của con người ngày càng nhiều mà lượng đá thiên nhiên thì hạn chế, đó là lý do vì sao mà loại đá nhân tạo được ra đời qua quá trình mô phỏng đá tự nhiên, kết hợp bột đá tự nhiên cũng như các thành phần hóa học khác để tạo thành.
Quá trình sản xuất nó như sau: Một khối lượng đá tự nhiên lớn bị lỗi, thải ra, người ta đem nó về để nghiền thành bột rồi cùng với một số chất hóa học khác để đổ vào khuôn, trộn đều các chất lên để tạo thành một quy trình phản ứng hóa học, tạo nên sự kết dính với các phẩn tử đá với nhau, hình thành nên khối đá nhân tạo. Qua bước xẻ và mài, nó đạt được vẻ đẹp gần giống với đá tự nhiên.
Theo cấu tạo chất đá
Đá granite (đá hoa cương):
Nó được ra đời cùng với sự hình thành của trái đất, một dạng của macma lỏng phun trào khỏi lòng đất, khi nguội thì nó bền và độ cứng sánh bằng với kim cương. Cấu tạo của nó giống như nham thạch, song về độ cứng và tỷ lệ trọng cao hơn do chịu sức nén mạnh của áp suất cao trong lòng đất. Đặc thù của loại đá này là lộ lên mặt đất nên người ta cũng dễ tìm ra nó. Thường hay dùng trong các hạng mục gồm có cầu thang, tam cấp, mặt tiền. . .
Thành phần chính của đá granite bao gồm:
+ Feldspar (50% hoặc lớn hơn)
+ Quartz (25-40%)
+ Mica (3-10%)
Đá Marble (còn gọi là đá hoa, đá cẩm thạch):
Đây là một loại đá được biến chất từ đá vôi có cấu tạo không phân phiến. Sự hình thành của nó chủ yếu là canxit, hay dùng để tạc tượng cũng như các vật liệu trang trí ở trong tòa nhà hoặc vài ứng dụng khác. Từ loại đá này cũng có thể dùng để chỉ ra các loại đá có độ bóng và thích hợp dùng làm trang trí. Độ cứng của nó so với đá granite thì không bằng, song lại có đường vân sống động và màu sắc tươi tắn hơn bất kỳ loại đá nào.
Sử dụng đá marble có phần cao cấp hơn đá granite, những công trình như biệt thự, khách sạn, resort, chủ yếu là ốp nền, tolet, tường, mặt tiền…hiện nay thường hay ứng dụng nó. Bên cạnh hai loại đá trên thì trong xây dựng hiện nay còn có những loại đá như dòng sa thạch, dòng ngọc thạch… tuy nhiên ở thị trường Việt Nam chưa được thịnh hành.
Theo Tạp chí kiến trúc